3G chỉ tồn tại khi có dịch vụ nội dung


"Doanh nghiệp có 3G không phải là điều quan trọng. Cạnh tranh thắng lợi hay không phụ thuộc vào việc họ sẽ cung cấp cái gì cho người sử dụng", Nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực chia sẻ tại một hội thảo về 3G vừa được tổ chức tại Nha Trang.

Giới chuyên môn thuộc lĩnh vực công nghệ cao bày tỏ quan ngại rằng việc đầu tư tiền tỉ vào hạ tầng cơ sở công nghệ và đường truyền mạng di động tốc độ cao sẽ vô cùng lãng phí nếu không triển khai được các dịch vụ mà người sử dụng cần đến. "Không nên nhìn nhận 3G là một công nghệ. Cần hiểu rằng đó là một môi trường mà có nhiều giải pháp cùng cộng hưởng", Herns Pierre Jerome, Giám đốc công nghệ của hãng Qualcomm, chia sẻ quan điểm.

Ở Việt Nam, cơ hội cho các nhà khai thác viễn thông được đánh giá là rất rộng mở. Đến khoảng năm 2011, thế giới sẽ có khoảng 2,3 tỉ thuê bao (65%) trong tổng số thuê bao toàn cầu là 3,5 tỉ sử dụng dịch vụ dữ liệu khác ngoài SMS. Đó là cơ hội doanh thu đáng kể cho các nhà khai thác mạng di động, mà Việt Nam không thể là một ngoại lệ.

Theo Qualcomm, đến năm 2012 sẽ có khoảng 1 tỉ người trên thế giới dùng 3G, trong đó 70% sẽ dùng dịch vụ dữ liệu trên nền không dây. Số còn lại phụ thuộc vào đường truyền hữu tuyến. "Đó là chưa kể đến các thiết bị đầu cuối sẽ ngày càng rẻ hơn. Cuối năm nay, một loại chip dành cho máy cầm tay kết nối trên các băng tần 450/850/1900/2100 sẽ có ở khu vực Đông Nam châu Á, trong đó có Việt Nam. Khi đó, tôi nghĩ giá trung bình của điện thoại 3G sẽ giảm xuống dưới 16 USD, thay vì ở mức 20 USD như hiện nay", ông Phạm Thịnh, một chuyên gia cao cấp của Qualcomm, nói.