Việt Nam sẵn sàng cho công nghệ 3G


Hôm qua, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo "Phân bổ và cấp giấy phép cho băng tần 3G" do Tổng cục Bưu điện phối hợp với Công ty Qualcomm (Mỹ) tổ chức. Mục đích của hội thảo nhằm phổ biến, khuyến khích ứng dụng loại hình thông tin di động thế hệ thứ 3 sử dụng công nghệ CDMA.

Khoảng 70 đại biểu là lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính Phủ, các doanh nghiệp khai thác, cung cấp dịch vụ viễn thông của VN tham dự.

Tại hội thảo, các chuyên gia của Công ty Qualcomm đã giới thiệu về tình hình và hướng phát triển công nghệ thông tin vô tuyến từ 2G (thế hệ thứ 2) lên 3G (thế hệ thứ 3) . Đồng thời, phổ biến các nguyên tắc quản lý tần số, phương pháp cấp phép cho công nghệ 3G cũng như kinh nghiệm triển khai cấp phép và phân bổ tần số 3G của một số khu vực phát triển như: châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Nhân dịp này, Qualcomm cũng trình diễn công nghệ kỹ thuật đa truy nhập phân mã (Code Division Multiple Access - CDMA) 3G và các giải pháp cho phép cung cấp ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng như: các dịch vụ truyền hình và truyền số liệu tốc độ cao. Hãng cam kết sẽ hỗ trợ phát triển công nghệ viễn thông vô tuyến cho Việt Nam.

"Việt Nam đang quyết tâm thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số bằng truyền thông vô tuyến CDMA 3G. Qualcomm giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng viễn thông vô tuyến của Việt Nam", ông Hoàng Ngọc Diệp, Giám đốc phát triển kinh doanh của Qualcomm tại Việt Nam, nói.

Bằng việc hợp tác với Bộ Bưu chính Viễn thông và các nhà khai thác và phát triển phần mềm, Qualcomm hy vọng CDMA 3G sẽ giúp Việt Nam cung cấp nhiều dịch vụ tốt hơn cho người dùng và các công ty.

Hiện nay, Tổng cục Bưu điện đã xây dựng các mạng thông tin vô tuyến 2G và đang xây dựng lộ trình triển khai, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho việc phân bổ và cấp phép tần số, nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thông tin di động 3G. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đang nghiên cứu và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường 3G, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.

Tuy nhiên, ông Lê Nam Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nhận định: "Phải đến năm 2005, công nghệ CDMA mới phát triển mạnh và trở nên phổ biến tại các nước có hạ tầng viễn thông đã phát triển. Đối với nước ta, sự phổ biến về công nghệ này có thể đến chậm. Hơn nữa, việc triển khai ngay 3G trong thời điểm hiện nay không chỉ phụ thuộc vào vấn đề công nghệ mà phụ thuộc rất lớn vào tình trạng của thị trường hiện tại".

Mới đây, Qualcomm cũng đã hợp tác với Saigon Postel để triển khai dịch vụ điện thoại di động theo công nghệ CDMA.

Đến nay, có hơn 50 quốc gia trên thế giới triển khai ứng dụng công nghệ CDMA với trên 100 mạng. CDMA được xây dựng từ những năm 50 và áp dụng trong thông tin quân sự vào thập niên 60. Cùng với sự phát triển của công nghệ bán dẫn và lý thuyết thông tin trong những năm 80, CDMA đã được thương mại hoá từ phương pháp thu GPS và Ommi-TRACS. Phương pháp này cũng được đề xuất trong hệ thống mạng tế bào của Qualcomm vào năm 1990. Hiện các mạng CDMA đang dùng hai băng tần: 800 MHz và 1,9 GHz.

Theo một nghiên cứu mới đây ở Hàn Quốc, năm nay sẽ có 90% điện thoại di động thế hệ 3G sử dụng công nghệ CDMA2000 1X và 70% trong số này sẽ có màn hình màu.